Vương quốc trinh thám
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vương quốc trinh thám

Chào mừng các bạn đến với vương quốc trinh thám.
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu
November 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 
CalendarCalendar
Top posters
Thiên Sứ Ánh Trăng
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
langtuphieubac_langtusky
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
Thám Tử Tí Hon Conan
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
soc nau
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
Phantom
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
sieudaochich
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
hell_angel
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
Famous Detective
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
Sát thủ bóng đêm
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 
gianggiangonline
Đêm địa ngục I_vote_lcapĐêm địa ngục I_voting_barĐêm địa ngục I_vote_rcap 

Share | 
 

 Đêm địa ngục

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Thiên Sứ Ánh Trăng
Quốc vương
Quốc vương
Thiên Sứ Ánh Trăng

Tổng số bài gửi : 143
Kim quốc VQTT : 910
Thanks : 0
Join date : 25/06/2010
Age : 29
Đến từ : Thiên đường Baker

Đêm địa ngục _
Bài gửiTiêu đề: Đêm địa ngục   Đêm địa ngục I_icon_minitimeWed Jul 14, 2010 8:22 pm

Đêm địa ngục
Sâm Thương

Đó là một trong hàng trăm những căn nhà mái lá, vách đất thuộc công xã mới được xây dựng, từng dãy chạy dài dưới chân núi. Những căn nhà này dành làm nơi trú ngụ cho những thị dân Phnom Penh bị xua đuổi ra khỏi thành phố sau khi lực lượng Khmer Đỏ lên nắm chính quyền ở Campuchia. Bên trong, nhà nào cũng giống nhà nào, được bày biện đơn giản, một vài vật dụng như bàn ghế, giường được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Duy có khung ảnh bán thân của lãnh tụ Pon Pot treo nơi được coi là trang trọng nhất, tạo nên một sự tương phản lạ lùng.

Công xã đang chìm dần trong bóng đêm. Riêng trong nhà của vợ chồng Suvantha, ngọn đèn dầu đặt trên bàn hắt ánh sáng lù mù. Bên dưới, một bếp lửa cháy bập bùng. Bé Thanakri đang nằm trên giường. Chay Bofa ngồi cạnh con gái, ru con bằng giọng hát trầm buồn:
…Con ngủ đi đừng khóc
Cơm nguội với mật ong

Ăn rồi con đi chơi

Đi gần đừng đi xa …

Lời ru miên man, diệu vợi hòa với tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái kêu đêm. Bé Thanakri đã yên ngủ. Bé không còn nghe những lời ru ai oán của mẹ. Chị vẫn tiếp tục hát, mà không biết hát để làm gì. Chị thoáng nhớ hôm nào, đoàn người rồng rắn trên đường ra khỏi thành phố như những bóng ma lầm lũi đi về nơi vô định, trong đó có gia đình chị. Chị không làm sao quên được ánh mắt của những người đồng hành, hình như họ không che giấu nỗi hoài nghi hay thất vọng, nỗi sợ hãi hay chịu đựng khác nhau. Những gì đó đã luôn ám ảnh chị cho đến tận bây giờ. Chị tiếp tục hát, vẫn giọng trầm buồn…

*
Suvantha rời khỏi giường người bệnh, đứng dậy quay về phía người chồng nói:
- Cứ làm đúng lời tôi chỉ dẫn chắc chắn chị nhà sẽ khỏi bệnh. Chỉ xin gia đình giữ kín đừng cho ai biết tôi đã chữa trị cho chị là được rồi.

Người chồng nhìn Suvantha, giọng như nghẹn lại:
- Chúng tôi không biết lấy gì để tạ ơn cứu sinh của bác sĩ, lòng dạ nào lại hại bác sĩ.
Suvantha xua tay:
- Khi hoạn nạn có nhau, đừng quan tâm đến ân nghĩa. Tôi phải về đây!

Người chồng nói nhỏ:
- Bác sĩ đợi tôi xem chừng bọn chúng có theo dõi không đã rồi hãy đi.
Suvantha gật đầu, người chồng bước ra ngoài, nhìn theo những ngả tắt, nghe ngóng, rồi quay vào nhà nói với Suvantha:
- Bác sĩ có thể đi được rồi.

Suvantha lặng lẽ bước ra, lẻn vào đêm tối tìm đường trở về nhà. Những ngỏ tắt đã trở nên quá quen thuộc đối với anh. Anh hiểu cuộc sống của anh hoàn toàn không có lối thoát, anh là kẻ bị đày ải trong địa ngục trần gian này, nhưng dù sao cuộc sống của anh cũng có ý nghĩa. Anh tâm nguyện phải làm tất cả những gì mà một bác sĩ như anh có thể làm được trong hoàn cảnh này để bớt đi nỗi đau của những người cùng cảnh ngộ, sống chung quanh anh.

*
Bé Thanakri đã ngủ say. Chay Bofa nhìn đăm đăm vào khoảng tối trước mặt. Chị mơ thấy mình đang múa trên sân khấu. Đôi cánh tay Chay Bofa uốn lượn nhịp nhàng, đôi bàn tay, rồi những ngón tay duỗi ra, gập lại giao hòa với tư thế của thân thể và đôi chân, tỏa ra từ những cảm xúc của âm thanh…Chay Bofa đang thể hiện hình tượng của nàng Seda trong vũ kịch mà chị đã một thời vang tiếng. Nhưng trong khi Seda đang hân hoan giữa một thiên nhiên khoáng đạt, nàng không hề hay biết rằng vua quỷ Riep vừa xuất hiện. Hắn khao khát trước vẻ đẹp tuyệt trần của nàng, và không kiềm chế nổi, hắn nhào tới bắt lấy Seda. Nàng sợ hãi, né tránh một cách vô vọng. Cuối cùng hắn đã bắt được nàng. Nàng ngã xuống…Và, lúc đó, Chay Bofa choàng tỉnh, chị hét lên thất thanh:
- A! Ai cứu tôi với?
Từ bên ngoài, Suvantha nghe tiếng thét chạy nhanh vào, đến bên vợ, lo lắng hỏi:
- Chay Bofa! Chuyện gì vậy?

Khuôn mặt Chay Bofa ướt đẫm mồ hôi, ánh mắt hiện rõ nét hoảng loạn:
- Em vừa trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Em nhớ lại em đang diễn cảnh hoàng hậu Seda bị tên vua quỷ Riep bắt cóc…
Suvantha nắm lấy đôi bàn tay vợ, giọng dịu dàng:
- Em bình tĩnh lại đi. Đó chỉ là một giấc mơ, mà dù là thật thì cũng chỉ là một vở diễn.
Chay Bofa ngước lên, thổn thức:
- Chúng ta bị đưa đến đây bao lâu rồi hả anh?

Suvantha gắng gượng mỉm cười, hình như anh rất sợ khi phải trả lời câu hỏi này. Anh nhớ dưới thời Lon Nol, khi đó anh đang làm việc ở Bệnh viện Trung ương Phnom Penh, anh là một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng, dù được ưu đãi, nhưng điều đó không làm anh bớt ray rứt và phẫn nộ. Anh đã không chịu đựng nổi sự thối nát, mục rữa của xã hội đó, và anh đã mong chờ một ngày mai công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thế rồi, họ đã đến, đến như những nhân vật thần thoại mà anh hằng ngưỡng mộ. Dưới mắt anh thì họ là đại biểu cho những gì cao quý nhất của kiếp người- đó là phẩm giá, đạo đức, là sự công bằng, tình yêu, là lòng vị tha…là những phẩm chất đã thúc đẩy anh đến với công việc của người thầy thuốc. Anh còn nhớ hôm ấy, trong nỗi vui mừng vô hạn, hai vợ chồng anh đã thắp lên những cây nến của ngày cưới để đón mừng cuộc đổi thay lịch sư . Và ngay lúc đó, một toán Angkar đã xông vào, dùng súng và lưỡi lê xua cả gia đình anh ra khỏi nhà, đẩy đi, đi mãi cùng với hằng nghìn, hằng triệu người khác. Và rồi, trên chặng đường dài khủng khiếp đó, anh đã nhìn thấy những cảnh giết người công khai không xét xử, những xác người thối rữa bị bỏ lại, cả những người còn sống thoi thóp nằm ngổn ngang.

Anh đã nghe thấy những giọt nước mắt, những lời kêu gào xé ruột, đã chứng kiến nỗi căm thù sục sôi, và chỉ thấy nỗi căm thù đó trút xuống trên đầu những người dân vô tội…
- Em không nhớ thật sao?
- Hình như em đã mất đi ý niệm về thời gian.
- Chúng ta đã bị đuổi ra khỏi Phnom Penh hơn tám tháng rồi!
- Tám tháng? Tám tháng quả thật quá dài đối với kiếp người như chúng ta hiện tại. Họ đã cướp mất mẹ và con trai chúng ta. Hằng ngày còn biết bao nhiêu người bị bắt, bị đày đọa đến chết. Chắc chẳng bao giờ em còn được trở lại nhà hát…

Suvantha đau đớn gật đầu, anh nhớ lại những cảnh giết người mà anh từng chứng kiến, mà nạn nhân là những người trí thức. Họ là nhà sử học có mơ ước viết lại lịch sử của giai đoạn đang diễn ra, một nhà vật lý ,giáo sư của một trường Đại học, một luật sư ở Tòa Thượng thẩm.., những người anh tình cờ quen biết trên đường. Tất cả họ đều bị giết chỉ vì bọn chúng khám phá ra họ là những trí thức. Khác với mọi nơi trên thế giới, ở đây trí thức là một tội và kẻ có tội phải được kết án ngay không cần xét xử. Họ bị hành quyết trước mắt anh, bằng những nhát cuốc chặt vào đầu. Anh đã tận mắt chứng kiến những chiếc đầu rơi xuống, lăng lông lốc, máu văng tung tóe. Những thân phận người lạc loài, đã không được chọn lựa miền đất đầu thai, cũng không quyết định được chính cái chết của mình. Họ còn bất hạnh hơn cả cỏ cây, côn trùng…
- Anh cũng vậy. Anh sẽ chẳng bao giờ được trở lại bệnh viện cầm con dao mổ trong tay. Anh đã phải che giấu tên tuổi, nghề nghiệp vì sợ bị phát hiện là một trí thức. Anh chữa bệnh mà cứ phải lén lút như một kẻ tội phạm.

Chay Bofa như bừng tỉnh, nhìn chồng lo lắng:
- Anh vừa đi chữa bệnh? Có cần thiết không khi điều đó đe dọa đến sinh mạng của anh?
Suvantha đăm đăm nhìn đôi bàn tay của vợ, nó đã không còn giữ được vẻ thon dài xinh đẹp của một diễn viên múa Apsara thuở nào, vì phải lao động ngoài công trường từ sáng đến tối . Anh thấy thương cảm đến ứa nước mắt. Anh áp bàn tay chị lên má mình, giọng nhẹ nhàng:
- Nếu anh không làm điều đó thì anh đâu còn là anh, đâu còn là người chồng mà em yêu thương trân quý!

Bỗng Suvantha ngưng nói, bên ngoài có tiếng bước chân. Hai vợ chồng hốt hoảng im lặng lắng nghe. Chay Bofa bình tĩnh bước vội đến bên giường ngồi cạnh bé Thanakri. Bất ngờ, Bun Thum,một cán bộ lãnh đạo công xã, theo sau là một toán Angkar súng ống bước vào. Hắn đưa mắt soi mói nhìn quanh căn nhà, rồi từ từ tiến về phía Suvantha, hất hàm hỏi:
- Ở Phnom Penh anh làm nghề gì?

Nhớ lời dặn của Phayna, người công nhân nhà máy điện, người bạn láng giềng hiện tại của anh, anh bình tĩnh trả lời:
- Tôi công tác ở bộ phận sửa chữa lưu động của nhà máy điện.
Bun Thum cười gằn:
- Còn một tên trí thức nữa đang ẩn náu trong công xã này. Hắn là ai? Chúng ta nhất định sẽ tìm ra chân tướng của hắn với những bằng chứng cụ thể. Hắn phải chịu một hình phạt thảm khốc nhất.

Bỗng có những tiếng súng nổ từ xa vẳng lại. Bun Thum cau mày như có vẻ không hài lòng. Hắn nhìn Suvantha với ánh mắt đe dọa, rồi quay ngoắt người bước ra trước cái nhìn ngỡ ngàng,lo âu của Chay Bofa. Chị ngước nhìn chồng:
- Hắn nghi ngờ anh?
Suvantha cười mỉa mai:
- Hắn nghi ngờ bất cứ ai. Nếu như hắn thật sự tìm ra tông tích của anh thì hắn đã không tha thứ cho anh.
Bỗng bé Thanakri cựa mình, khóc:
- Mẹ ơi! Con đói bụng, con muốn ăn trứng gà !
Chay Bofa quay lại, cố vỗ về con:
- Con cố gắng ngủ đi, ngủ là hết đói liền hà…Sáng mai mẹ sẽ kiếm trứng gà cho con ăn.
- Đói lắm mẹ ơi! Con muốn ăn ngay bây giờ!

Suvantha nhìn vợ. Chay Bofa cố tránh cái nhìn của chồng, nước mắt ứa tràn lên má , tiếp tục dỗ con:
- Nín đi Thanakri. Con không sợ vua quỷ Riep bắt con sao?
Một ý nghĩ thoáng đi qua trong đầu, chị đứng dậy, trao con cho chồng:
- Anh trông con, em đi đây một lát.

Suvantha nhìn vợ, thắc mắc:
- Khuya khoắt như thế này, em đi đâu?
Chay Bofa không nói, chị hấp tấp bước ra khỏi nhà biến vào trong đêm tối. Như linh cảm một điều gì đó, Suvantha đặt con xuống chạy theo gọi vợ lại, nhưng chị đã không còn nghe thấy hay cố tình không muốn nghe, chị đã biến vào đêm tối.

*
Chay Bofa vẹt bụi cây, từng bước thận trọng hướng về phía sau trại nuôi gà của công xã, thường thì phía đó, mọi lần chị để ý không thấy ai canh gác. Tiếng khóc của bé Thanakri đã thôi thúc chị bằng mọi giá. Khi đến bên vách ngăn, chị đứng yên nghe ngóng trước khi ép sát người lách qua khe ván, rồi vói tay mò lên máng ăn của gà, chị hy vọng sẽ lấy được một hai trứng về cho bé Thanakri, nhưng vẫn không thấy. Chị cố rướn mình sâu thêm chút nữa để có thể vói tay xa hơn, cánh tay đau rát vì bị ép chặt giữa khe hở. Mắt chị sáng lên, đầu ngón tay chị đã đụng được cái trứng. Chị cố chịu đau, dấn tay sâu hơn, và chị đã nắm được cái trứng trong lòng bàn tay…Nhưng chị chưa kịp rút tay bỏ cái trứng vào túi áo, thì một tiếng ”ầm” vang lên. Vách ngăn đổ nhào xuống. Vẫn giữ chặt hột trứng gà trong lòng bàn tay, chị quay người bỏ chạy. Chỉ mới được một đoạn, thì một đám người đèn đuốc lố nhố đã án ngữ trước mặt. Chị bất lực đứng im như một pho tượng, nước mắt chảy tràn trên má…

*
Trong khi đó, ở nhà mình, Suvantha bồng con đến bên lu nước, lấy gáo múc cho con bé:
- Con tạm thời uống nước cho đỡ đói, mai ba sẽ tìm cách kiếm trứng gà cho con ăn.
Bé Thanakri ngước lên nhìn cha:
- Chừng nào về Phnom Penh con lại được đi học phải không ba?
Suvantha gật đầu, vụng về như kẻ có tội:
- Ừ…
- Sao đây không có trường học hở ba?
- Thì mình di chuyển tạm thời thôi mà. Đâu cần phải mở trường làm gì.
- Sao ở đây không có sách vở hở ba?
- Ba đã nói với con rồi, ở đây người ta không thích sách và không thích cả ai đọc sách nữa.
- Tại sao người ta không thích sách?

Hình như Suvantha không còn kiềm chế được nữa, giọng anh vẫn nhỏ nhẹ, nhưng anh không biết mình đang nói với con:
- Bởi sách dạy cho chúng ta làm con người, còn họ chỉ muốn chúng ta làm súc vật.
Bé Thanakri vẫn tiếp tục:
- Họ không thích sách , nhưng họ có thích múa không hở ba?
Suvantha như đụng phải lửa, anh hốt hoảng nhìn con:
- Sụyt! Ba cấm con không được nhắc đến chuyện mẹ biết múa đấy. Con mà nhắc đến thì họ bắt mẹ đi, giam mẹ đấy.

Đôi mắt to tròn của bé Thanakri ngước lên nhìn ba:
- Sao lạ vậy ba? Múa mà cũng có tội hở ba?
Suvantha gắt gỏng:
- Ba đã bảo không bao giờ nhắc đến chuyện múa mà! Con không vâng lời ba, không thương mẹ sao?
Bé hốt hoảng nắm chặt lấy tay cha:
- Con xin lỗi ba, con sẽ không nhắc nữa.

Suvantha ôm chặt lấy bé Thanakri vào lòng, đôi vai anh rung lên vì xúc động. Anh cảm thấy yêu thương con hơn bao giờ, hơn cả chính mình, nhưng anh không biết rồi đây tương lai con anh sẽ ra sao con anh, tương lai sẽ ra sao. Đó chính là nỗi đau lớn nhất trong trái tim anh.

Bất ngờ, Chay Bofa hai tay bị trói từ ngoài đẩy vào, theo sau là Bun Thum và toán Angkar thủ hạ của hắn. Suvantha sửng sốt nhìn vợ, còn Thanakri vùng dậy xông tới gào khóc, ôm lấy chân mẹ. Nhưng một tên Angkar lạnh lùng dùng báng súng gạt hai mẹ con rời ra, và một tên khác giữ chặt bé lại. Bé không ngớt vùng vẫy và gào lớn:
- Mẹ… mẹ ơi!
Bun Thum nhìn thẳng vào mặt Suvantha:
- Vợ anh bị bắt quả tang vì tội ăn cắp trứng gà của công xã.

Rồi hắn quay lại phía Chay Bofa, hất hàm hỏi:
- Ai bảo mày làm việc này?
Chay Bofa lắc đầu:
- Không ai bảo tôi cả ! Tôi ăn cắp vì không nỡ nhìn con tôi đói.
- Mày phải nói thật ! Bọn mày làm thế nào để tiếp tế cho bọn phản động?
- Tôi không biết !
- Chúng mày đừng hòng qua mặt tao. Mấy tháng nay công xã đã xảy ra nhiều vụ mất cắp. Tao chắc chắn những thứ đó chúng bay lấy không phải để ăn, mà để tiếp tế cho bọn phản động.

Bé Thanakri vùng vẫy:
- Mẹ ơi! Con không đòi ăn trứng gà nữa đâu.
Bun Thum như hụt hẫng, quay lại :
- Con bé , mày nói sao?
Suvantha chen vào:
- Xin các ông tha cho vợ tôi. Chẳng qua vì con chúng tôi quá đói. Ngày mai tôi sẽ đền bù lại cho các ông những gì đã mất.
Bun Thum nhìn thẳng vào mặt Suvantha với ánh mắt ranh mãnh:
- Anh đã học tập nội quy của công xã?
Suvantha gật đầu:
- Tôi hiểu…
Bun Thum mỉm cười hiểm độc:
- Công xã có nên dung túng kẻ ăn cắp không?
Suvantha run rẩy:
- Không, nhưng …
Bun Thum đứng thẳng dậy, quát lớn:
- Hãy đánh con mụ kia đi!

Một tên Angkar cầm cây roi da bước tới trước mặt Chay Bofa. Chị từ từ lùi lại sợ hãi. Ngọn roi vung lên. Chị rú lên đau đớn, đưa tay che lấy mặt. Không chịu đựng nổi, Suvantha lao người đến ôm chầm lấy vợ. Ngọn roi da trên tay Angkar vẫn liên tục giáng xuống hai kẻ bất hạnh, trước đôi mắt sợ hãi bất lực của bé Thanakri trong đôi tay rắn như sắt của tên Angkar đang cố kìm giữ .

Khi ngọn roi da ngừng lại, vợ chồng Suvantha đau đớn, mệt lả gục xuống ngất đi, không còn biết gì nữa. Bun Thum quay qua tên thủ hạ đang giữ chặt bé Thanakri, lạnh lùng ra lệnh:
- Hãy đem con bé theo. Nó phải được giáo dục để trở thành những con người của các thế hệ sẽ chỉ biết có Tổ quốc và Lãnh tụ.

Lập tức, tên Angkar bồng xốc bé Thanakri ra khỏi nhà, mặc cho bé vùng vẫy kêu gào. Bun Thum lạnh lùng nhìn lại hai vợ chồng một lần cuối trước khi cùng đồng bọn kéo đi.

Công xã đã trở lại yên tĩnh, một sự yên tĩnh nặng nề đến khủng khiếp. Thỉnh thoảng đâu đó vẳng lại tiếng cú kêu đêm.

*
Hai tháng sau, một đêm ở căn nhà cũ. Suvantha và Phayna, công nhân ở nhà máy điện Phnom Penh đang nhỏ to trao đổi với nhau ở bàn. Chay Bofa đang ngồi trên giường, lần mò vá lại chiếc áo của Thanakri trong ánh đèn dầu chập choạng. Một sự im lặng ngột ngạt bao trùm. Bỗng dưng , Chay Bofa cất tiếng ru con:
Con ngủ đi đừng khóc
Cơm nguội với mật ong

Ăn rồi con đi chơi

Đi gần đừng đi xa …

Nhưng Thanakri đã bị bắt đi mất, Chay Bofa ôm chặt chiếc áo vào lòng nấc lên tức tưởi. Suvantha đứng dậy, bước tới bên vợ, an ủi:
- Đừng khóc nữa em. Rồi con nó sẽ về với chúng ta.
- Không về nữa đâu! Tha Bory đã vĩnh viễn ra đi. Đến lượt Thanakri cũng bị bắt đi mất!

Phayna quay về phía Chay Bofa, nói chen vào:
- Chị Chay Bofa, hãy tin tưởng. Tôi đang tìm tung tích của cháu Thanakri để mang về cho chị. Tôi hứa!
Ngừng một lát, Phayna nói với Suvantha:
- Còn anh Suvantha! Tôi nghĩ rằng chính thảm kịch mà gia đình anh đang gánh chịu phải làm cho anh suy nghĩ…

Suvantha lắc đầu chán nản:
- Tôi đã không suy nghĩ gì nữa từ lâu. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng..
- Nhưng những gì đang diễn ra chung quanh anh lại hoàn toàn không trống rỗng chút nào mà đầy ắp máu và nước mắt của đồng bào ruột thịt chúng ta.
- Làm sao tôi có thể có trách nhiệm về sự đổi thay xã hội khi mà tôi không tin tôi có thể gánh nổi trách nhiệm cuộc đời tôi và vợ con tôi.
- Thế tại sao chúng ta không đấu tranh để thay đổi số phận khắc nghiệt, cái định mệnh bi thảm do bọn chúng áp đặt lên cuộc sống của chúng ta?
- Chúng ta là ai?
- Nhân dân. Không trừ một ai!
- Cứ coi như anh có lý. Nhưng rất tiếc, trong hàng ngũ đó không có tôi. Anh cho phép tôi sống cuộc sống của tôi.
- Cuộc sống của anh à? Nếu anh chấp nhận lối sống đó, theo tôi, thà anh tự tử đi còn hơn, để khỏi bị đọa đày…

Suvantha ôm đầu đau khổ:
- Tự tử là một cách chạy trốn. Tôi không có quyền chạy trốn ! Tôi phải có trách nhiệm về sự chọn lựa của tôi đến tận cùng. Có lẽ vì vậy mà tôi phải sống. Tôi muốn giữ sự thành tín của tôi đối với những điều tôi đã nói, đã làm. Tôi hiểu một cách rõ ràng , tôi không có khả năng thay đổi lịch sử, không biến cải số phận của đồng bào mình khác đi, thì ít ra tôi phải cùng san sẻ, chịu những tai ương cùng với họ hôm nay.

Phayna nhìn Suvantha lắc đầu:
- Anh Suvantha, tôi thành thật xin lỗi anh, anh nói những lời lẽ của chủ nghĩa nhân đạo, nhưng là một thứ nhân đạo dựa trên cơ sở phi nhân. Tôi học hành ít hơn anh, nhưng tôi nhớ một câu chuyện như thế này: Có một triết gia, hình như của đế quốc La Mã thì phải. Khi người chủ bẻ chân ông ta, ông ta nói: Coi chừng gãy đấy ! Người chủ vẫn bẻ, và cái chân gãy thật. Lúc đó, ông ta bình thản nói: Đấy, tôi đã bảo mà ông không nghe! Anh Suvantha à! Tay chân anh thì người ta có bẻ gãy cũng không sao, song có thể gọi là nhân đạo được không khi vì anh mà tay chân của vợ con anh bị người ta bẻ gãy, và biết đâu cũng vì anh mà thảm họa sẽ đổ chụp lên số phận của nhiều người khác nữa…

Có tiếng lao xao bên ngoài. Chay Bofa lo lắng nhìn ra cửa, rồi quay lại nói với Phayna, giọng thúc hối:
- Anh Phayna! Bọn chúng đến. Anh về nhà ngay đi !
Nhanh như một con sóc, Phayna lẻn ra cửa sau, trở về nha của mình gần đó. Chỉ mấy phút sau,

BunThum cùng với đám Angkar cận vệ dẫn Kun Su, một nông dân đẩy cửa bước vào. Bun Thum đưa mắt về phía Kun Su, rồi chỉ Suvantha:
- Có phải đúng là tên này không?
Kun Su nhìn Suvantha lắc đầu:
- Không, không phải người này!
- Tại sao mày che giấu cho hắn?
- Tôi đã nói với ông , người này không phải là người chữa bệnh cho vợ tôi.

Bun Thum giận dữ gầm lên:
- Vậy thì ai là người đã chữa bệnh cho vợ mày? Bệnh của vợ mày thì cả công xã này ai cũng biết là chỉ chờ chết, vậy mà nó đã sống…Kun Su, nếu mày bằng lòng nói rõ ai là kẻ chữa bệnh cho vợ mày thì tao sẽ tha mày lập tức. Còn nếu không nói - hắn rít lên -tao sẽ cắt lưỡi mày ngay.
Kun Su ngước lên nhìn Bun Thum như van nài:
- Có Đức Phật chứng giám, tôi không thể ...

Bun Thum rút con dao ra cầm ở tay:
- Tao cho mày cơ hội cuối cùng. Nói thật đi! Có phải hắn đã chữa bệnh cho vợ mày không?
Kun Su nhìn con dao lấm lét, sợ hãi. Bun Thum hét lớn:
- Mày có chịu khai không?
Kun Su run rẩy:
- Không…không… Tôi không biết!

Bun Thum bóp miệng Kun Su há ra, đưa con dao trước mặt:
- Nói đi tao tha.
Kun Su sợ hãi, lắp bắp:
- Nói…vâng…Tôi nói…
Bun Thum thả bàn tay ra, chờ đợi. Kun Su rũ xuống nền đất với vẻ tuyệt vọng và đau khổ tột cùng. Mặt anh méo đi, giọng vỡ khàn trong tiếng khóc. Anh đang trải qua một cố gắng, một cuộc đấu tranh, dằn vặt tinh thần ghê gớm. Bỗng …
- Không, không… Xin Đức Phật tha thứ cho tôi…Tôi không thể vu cáo cho người này. Hãy cắt lưỡi tôi đi ! Hãy giết tôi đi ! Không…tôi không thể vu cáo. Ông ta chẳng liên quan gì với vợ chồng tôi hết !

Bun Thum giận dữ nạt lớn:
- Khốn nạn!

Hắn điên tiết xông đến bóp chặt cuống họng Kun Su. Lưỡi dao trong tay hắn vung lên. Kun Su rú lên một tiếng đau đớn cùng cực, rồi ôm chiếc miệng đỏ máu chạy loanh quanh trong nhà như một kẻ mộng du, cuối cùng anh ngã vật xuống nền đất, rên rỉ, lăn lộn như một con giun bị cắt đuôi. Bun Thum và toán Angkar vẫn đứng đó, mặt không đổi sắc. Hắn đăm đăm nhìn Suvantha vẫn đứng im thất thần nhìn Kun Su đang giãy giụa trên mặt đất. Chay Bofa đến bên chồng, nắm chặt lấy tay chồng. Kun Su vẫn lăn lộn. Suvantha bất lực đau khổ. Bun Thum quan sát Suvantha với vẻ khoái trá tàn nhẫn.Một lát, Bun Thum quay sang đám thủ hạ… :
- Đem hắn đi!

Nói xong, quay người bước ra. Bọn thủ hạ kéo lê Kun Su theo. Những tiếng rên la ai oán vẫn còn vọng lại. Chay Bofa bước tới cửa nhìn xem coi bọn chúng đã thực sự đi xa chưa, rồi quay lại bên chồng, đưa hai tay choàng qua ngực chồng.

Suvantha đau khổ đến tuyệt vọng. Anh thầm nhủ, tại sao anh im lặng? Tại sao anh có thể làm ngơ và bất lực trước nỗi đau đớn của Kun Su? Anh sợ hãi điều gì? Anh coi thường cái chết, nhưng thực ra anh lại sợ chết. Anh nói đến sự thành tín nhưng lại hành động như một kẻ ngụy tín. Mày chỉ là một kẻ ngụy tín, chọn thái độ lưu đày để tự an ủi, thỏa mãn tự ái riêng tư. Mày hãy tự hỏi, hãy tự tra vấn , thực sự mày có phải là một trí thức hay không? Không! Suvantha, mày nói đến trách nhiệm, đến chọn lựa, đến trách nhiệm về sự chọn lựa. Và mày bằng lòng về điều đó, tâm hồn mày đã nhảy múa, reo ca trước những nỗi dằn vặt do chính mày tạo ra. Mày đã cầm dao tự đâm vào tay trái để rồi dùng tay phải mà băng bó nó lại. Suvantha! Có phải như vậy không? Mày hãy đào bới tâm hồn mày lên. Có phải như vậy không?

Càng lúc, Suvantha càng rơi vào trạng thái kích xúc. Người anh run lên bần bật. Chay Bofa kinh hãi nhìn chồng:
- Anh Suvantha! Bình tĩnh lại đi anh. Có em bên cạnh anh đây!
Chị nói rất nhỏ, giọng lo lắng, rồi ngồi xuống bên anh. Anh quay lại, nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của chị. Tự nhiên anh cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm thống hận, một nỗi xót xa tưởng như đã rơi vào vực sâu của tuyệt vọng. Nhưng anh không muốn cho vợ anh đọc được tâm trạng của anh. Chị đã quá nhiều đau khổ, anh không muốn cho chị phải đau khổ thêm. Anh đưa tay choàng qua vai chị, kéo sát vào người mình và hôn thật lâu lên đôi mắt của chị.

Nghe tiếng động, hai người lặng lẽ buông nhau ra, anh ngồi xuống bàn, còn chị đến bên chiếc lu, múc gáo nước trao cho anh. Anh uống. Im lặng. Phayna bước vào từ cửa sau:
- Tôi đã chứng kiến tất cả. Có phải anh đã chữa bệnh cho vợ Kun Su?

Suvantha gật đầu. Phayna buột miệng:
- Tại sao anh dám làm những công việc nguy hiểm đó?
- Vì tôi là bác sĩ.
- Điều đó chỉ có nghĩa khi anh ở Phnom Penh và vào thời điểm trước kia. Còn bây giờ ở đây, anh chỉ là một kẻ bị cưỡng bức lao động.
- Dù sao tôi vẫn không thể nào quên được rằng tôi là một bác sĩ.
- Anh có biết là chính cái điều không quên đó sẽ dẫn anh đến đoạn đầu đài không? Bọn chúng đã đưa Kun Su tới đây, điều đó có nghĩa là cuộc săn lùng đã được khoanh lại, con mồi đã được chỉ định…
- Tôi biết!
- Thế tại sao anh vẫn làm? Anh không biết rồi đây đất nước sẽ rất cần đến những trí thức còn lại quá ít ỏi như anh sao?
- Tôi không sống để chờ đợi cái ngày mai mờ mịt đó. Tôi đang sống với hiện tại , với những nỗi đau đớn của từng con người hôm nay tôi gặp. Ngay từ buổi lễ tuyên thệ trước tượng Hypocrate cho đến khi thở hơi cuối cùng, dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, tôi cũng là một bác sĩ. Ít ra, tôi cũng có trách nhiệm với thiên chức của tôi. Anh Phayna, anh không phải là một bác sĩ, nên anh không thấy được cái thôi thúc kỳ quặc đó gắn vào tâm hồn tôi như một nghiệp dĩ. Tôi không giống một người thợ sửa máy, sửa cầu cống. Cái máy, chiếc cầu có hư nát thì nó vẫn nằm yên vô tri, câm nín. Nhưng con người đau đớn thì…

Phayna sốt ruột, đi lui đi tới:
- Anh nói đến hai tiếng con người với một ý nghĩa rất trừu tượng! Bun Thum cũng là con người, Kun Su cũng là con người, phải không? Nhưng tại sao con người này lại cắt lưỡi con người kia? Và anh là người thứ ba đứng nhìn cái cảnh dã man đó, nhìn và ray rứt và đau khổ và dằn vặt nhưng không có lấy một hành động nào để ngăn chặn lưỡi dao của tên đao phủ?
Suvantha nổi dóa:
- Anh Phayna! Tôi không muốn trở thành đối tượng để cho anh đùa cợt. Tôi bạc nhược, tôi yếu hèn…đồng ý! Thế nhưng, anh đã làm gì để những thảm cảnh ấy không tiếp tục xảy ra?

Phayna dịu lại:
- Nói thật với anh, tôi chỉ có thể cắn răng chấp nhận cuộc sống bị đày ải như một tên nô lệ thế này, vì tôi tin vào ngày mai. Và tôi muốn dự phần chiến đấu để có được ngày mai đó..Rồi quay về phía Chay Bofa:
- Chị Chay Bofa, chị không nói gì sao?
- Tôi không biết nói gì. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi trực giác thấy một ngày mai nào đó, dân tộc Campuchia sẽ hồi sinh.

Suvantha khẽ lắc đầu:
- Hồi sinh?… Một từ ngữ rất mỹ miều! Những ngày đầu, tôi vẫn tự nhủ tất cả những thảm cảnh đang xảy ra trước mắt chỉ là một rủi ro lịch sử. Song, ngày lại ngày, mỗi đêm khi nằm xuống, nỗi thất vọng ê chề lại xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi tự hỏi như Job, là tại sao những thử thách ấy lại đổ chụp lên đầu dân tộc chúng ta mà không ở đâu khác. Tôi tự hỏi cái thế giới mà tôi đang sống là như thế nào, cái thế giới mà con người đang tìm cách bay vượt qua để lao về cái khoảng không mênh mông là như thế nào? Tại sao trước một thảm họa của tinh thần nhân loại như thế này mà con người có thể làm ngơ không biết tới? … Tôi chỉ có một con đường. Tôi sẽ tiếp tục lăn tảng đá lên đỉnh núi như Sisyphe trong thần thoại.
Chay Bofa hốt hoảng đứng bật dậy:
- Anh Suvantha..

Suvantha ôm vợ vào lòng:
-Đừng sợ Chay Bofa! Anh vẫn luôn ở bên em…
Rồi quay về phía Phayna:
- Bây giờ là tháng mấy rồi anh Phayna?
- Tháng mười…
Suvantha bỗng nhiên xa vắng:
- Chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến lễ Ooc Om Bok. Từ lâu chúng ta đã chẳng còn được sống trong những đêm múa vòng, tiếng chày giã cốm giòn giã… Năm nay, anh sẽ làm cho Chay Bofa những chiếc bánh nếp thật đẹp, và anh sẽ mời tất cả bạn bè của chúng ta đến chung vui. Rồi đến nửa đêm, như hồi sinh viên, chúng ta sẽ lén hôn nhau.
Chay Bofa nhìn chồng, ánh mắt lung linh:
- Ô…Suvantha! Em sung sướng quá! Nếu như em có thể chết vào phút giây này, một cái chết tuyệt diệu, vĩnh hằng.

Một lát trở về với thực tại:
- Ô… anh Phayna đâu rồi?
Phayna từ cửa trước bước vào:
- Tôi đây !
Giọng Chay Bofa:
- Anh đi đâu vậy?
- Tôi đi bảo vệ cho hạnh phúc của hai người.

Cả ba bỗng phá lên cười… Bỗng có tiếng thét giọng nữ vang lên trong đêm khuya khoắt. Ba người kinh ngạc lắng nghe. Tiếng thét lại vang lên, rồi sau đó là những tiếng rên la đau đớn càng lúc càng dồn dập. Suvantha nghe ngóng:
- Chuyện gì thế?
- Hình như là tiếng khóc của chị Juvandi…
- Nhưng chuyện gì mới được chứ?
- Để em sang xem thử chuyện gì.
- Không được. Chị để tôi !

Phayna vừa ra đến cửa thì một cô bé khoảng 12 ,13 tuổi xuất hiện, nét mặt thảng thốt. Phayna lên tiếng trước:
- Ma Thi, cháu sao vậy?
Cô bé mếu máo:
- Mẹ cháu đau bụng dữ lắm! Ba cháu lại không có ở nhà. Vừa rồi cháu lên Ủy Ban Điều Hành Công Xã nhờ người xuống giúp, họ nói về đi, chờ mãi mà không thấy ai xuống cả. Chú ơi! Chú tìm cách giúp…mẹ cháu chết mất!
Suvantha bước tới nắm lấy tay Ma Thi:
- Thôi được. Cháu về đi. Chú sẽ…
Phayna cắt lời:
- Anh Suvantha, anh để tôi tìm người đỡ đẻ giúp cho chị ấy.

Suvantha nắm lấy tay Phayna giật lại:
- Anh tìm ai? Ở đây ai có thể giúp đỡ chị ấy? Tôi là bác sĩ giải phẫu kiêm sản khoa. Tôi không thể giúp chị ấy được sao?
Phayna lắc đầu:
- Không được! Anh không thể nhúng tay vào việc này. Bọn chúng sẽ bắt anh ngay lập tức. Chúng đang theo dõi anh. Anh đừng có ảo tưởng là có thể qua mắt được bọn chúng. Việc chưa đến nỗi nào. Anh cứ ở nhà, để tôi…tôi sẽ đi tìm một bà đỡ…

Sau khi Phayna ra đi. Trong nhà, Suvantha đi qua đi lại vẻ sốt ruột. Anh hiểu và hiểu rõ hơn ai hết, trong sản khoa tiếng rên la đó của chị Juvandi có thể đã nói lên điều gì. Anh càng tỏ ra nóng nảy hơn, nhưng vẫn cố kiềm chế, lâu lâu lại dừng ở ngưỡng cửa chờ đợi…

Khi nhìn thấy Phayna xuất hiện trở lại ở ngưỡng cửa, Suvantha nôn nóng chộp lấy hai vai Phayna, hỏi dồn:
- Thế nào?
- Không được! Tôi phải đi tìm một lần nữa. Trong công xã thế nào cũng có một bà mụ vườn. Tôi sẽ quay về ngay!
Quay lại nói với Chay Bofa:
- Chị không được cho anh ấy sang nhà chị Juvandi. Tôi phát hiện thấy nhiều người lạ lảng vảng quanh đây. Bọn chúng đang giương bẫy. Tôi sẽ về ngay.
Nói chưa dứt câu, Phayna đã chạy đi. Suvantha gọi vói theo:
- Phayna! Phayna!
Quay lại phân trần với vợ:
- Em biết không, bằng vào tiếng rên la đó, anh có thể xác định được trường hợp của chị Juvandi là trường hợp sinh khó. Nếu không có bàn tay của một bác sĩ giỏi thì mẹ con chị ấy khó lòng qua khỏi. Hai mạng người, em biết không?
Chay Bofa nhìn chồng vừa quyết liệt , vừa van lơn:
- Bọn chúng sẽ bắt anh đi, sẽ giết chết anh. Anh không nhớ anh đã từng tận mắt chứng kiến bao nhiêu cái chết của những người trí thức sao?

Suvantha nhìn ra khoảng trời đêm. Anh ngồi bất động như một pho t ượng rũ xuống trong sự tuyệt vọng. Tiếng rên la lại càng lúc càng dồn dập hơn, hào hển hơn, cho thấy người sản phụ đang trải qua một cơn đau đớn biết chừng nào. Không chịu đựng nổi, Suvantha đứng bật dậy định lao ra cửa, nhưng, Chay Bofa đã đứng chận trước cửa. Chị chầm chậm bước tới trước mặt anh, với đôi mắt sầu thảm hơn bao giờ hết. Suvantha bồn chồn:
- Anh cần phải đi ngay !
Chay Bofa ràn rụa nước mắt:
- Nhưng… còn em và con chúng ta?
Suvantha ngạc nhiên, khựng lại:
- Em nói gì?
- Nếu anh chết đi thì mẹ con em sẽ sống như thế nào?

Suvantha nhìn vợ hoang mang, anh nhớ Thabory, con trai anh đã chết trên đường từ Phnom Penh về đây, còn Thanakri, con gái anh thì bị bắt đưa đi đâu hay đã chết đến giờ vẫn chưa hề có tin tức. Vậy thì ý của vợ anh muốn nói đứa con nào đây, hay đã có tin về Thanakri? Chay Bofa ngập ngừng, hơi có chút bẽn lẽn:
- Em muốn nói đến một đứa con khác…Em đã có thai.
Suvantha ôm chầm lấy vợ:
- Em đã có thai? Sao em không cho anh biết sớm?
Yên lặng một lúc trong cơn xúc động. Bỗng anh buông tay vợ, nhìn thẳng vào mắt vợ. Chị như hiểu ý chồng:
- Em không có ý định bịa chuyện để ngăn cản anh đâu!

Suvantha ứa nước mắt vì cảm động, anh ôm chặt lấy chị, rồi hôn lên tóc , lên mắt chị như muốn tan biến vào nhau:
- Chúng ta lại sắp có một đứa con. Ôi! Anh sung sướng biết chừng nào!
- Gần cả tháng nay, những biến đổi trong cơ thể đã cho em biết, con của chúng ta sẽ là con gái!
- Con gái? Anh hy vọng nó là con gái. Em có mệt lắm không?
- Mệt chứ anh! Nhưng em cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao hơn bao giờ hết đang choáng ngợp cả tâm hồn em. Chính nó làm lớn dậy niềm hy vọng, nỗi khát khao muốn sống trong lòng em.
- Anh cũng vậy. Anh sung sướng…Anh cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng.
Bất ngờ, giữa lúc đó tiếng thét lớn của sản phụ Juvandi lại vang lên làm hai vợ chồng giật mình sững sờ. Họ không dám vui niềm vui riêng của họ vì nỗi đau khổ của người khác gần kề. Họ ngượng ngập nhìn nhau lo lắng, e ngại, chen lẫn với nỗi sợ hãi. Tiếng rên la vẫn tiếp tục vọng lại
càng lúc càng dồn dập, thê thiết như những nhát dao chém vào trái tim của hai vợ chồng Suvantha. Rồi như không kiềm chế nổi, Suvantha đứng bật dậy, nhìn về phía phát ra tiếng kêu thét thê lương ấy:
- Anh phải cứu mẹ con chị ấy. Nếu không, dù sống suốt đời bên cạnh nhau, chúng ta sẽ không tìm thấy hạnh phúc…

Tiếng thét, tiếng rên la của Juvandi như càng thúc giục. Suvantha ôm vợ thật chặt với tất cả hơi ấm và sức lực của anh, bởi vì anh biết rằng cái chết chắc chắn đang chờ anh ngoài cửa, rằng khi anh mới chỉ vừa rời khỏi tấm thân nồng ấm của người bạn đời là bắt đầu cho sự chia ly vĩnh viễn. Cuối cùng, Suvantha nắm lấy đôi vai chị, nhìn thật sâu vào mắt chị:
- Anh phải đi… Anh không thể làm khác được. Hãy tha thứ cho anh !
Nói dứt câu, anh cầm túi xách bước nhanh ra ngoài. Chay Bofa chạy theo đến ngạch cửa, rũ xuống:
- Suvantha! Suvantha! - Giọng Chay Bofa não nề ai oán.

Tiếng thét của người sản phụ lại vang lên lẫn với tiếng rên la đau đớn, tiếng thở gấp, hào hển của một sức lực suy kiệt, bị vắt đến cùng. Chay Bofa đứng lặng giữa căn nhà trống vắng nghe ngóng, theo dõi những động tĩnh từ bên kia bức vách láng giềng. Tiếng thét không còn vang lên nữa, những tiếng rên la cũng thưa dần, cách khoảng và đều đặn hơn, rồi bỗng…”oe..oe”, có tiếng khóc của đứa bé vừa mới chào đời. Khuôn mặt Chay Bofa rạng rỡ hẳn lên, một nụ cười nở trên đôi môi héo hắt của chị..Ô…Suvantha của chị đã thành công, Suvantha yêu quý của chị đã thành công! Nhưng, vào lúc đó, lẫn với tiếng khóc của hài nhi, có tiếng chó sủa, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng cười rú man rợ, và những loạt súng khô khốc…Chị sững người, bất động, nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt. Tất cả đối với chị giờ đây đều đổ sụp, đều quay cuồng chóng mặt, đều bốc cháy, đều đen tối bởi cái dự cảm khủng khiếp dành cho người chồng yêu dấu. Và rồi, Chay Bofa từ từ khụyu xuống một cách vô thức, đôi tay yếu đuối của chị quơ quào trong không khí như tìm bắt lấy một điểm tựa vô vọng. Và, từ trong cổ họng khô đắng ấy chợt bật lên tiếng thét bi thương đến cùng cực.

5. 1979
Về Đầu Trang Go down
https://vuongquoctrinhtham.forum-viet.net
 

Đêm địa ngục

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Vương quốc trinh thám :: Khu rừng thần bí :: Sơn ma động-
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất